Điểm tựa cho ngư dân bám biển Trường Sa

Ngày đăng: 20/06/2017
Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá (DVHCNC) đảo Đá Tây (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đầu tư xây dựng, đã hoàn thiện giai đoạn 2 tại điểm đảo Đá Tây A vào ngày 13-5. Đây là tin vui cho ngư dân bởi giờ đây đã có thêm một điểm tựa vững chắc giúp họ yên tâm bám biển, giảm chi phí đánh bắt dài ngày tại ngư trường Trường Sa truyền thống.
 
Âu tàu đảo Đá Tây A có thể chứa 200 tàu cá tránh bão.
 
Trong hành trình thăm và làm việc các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 cuối tháng 5 vừa qua, Đoàn công tác số 15 đã đến thăm điểm đảo Đá Tây A. Tại đây, Đoàn được đại diện Công ty TNHH MTV Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông (thuộc Bộ NN&PTNT) dẫn đi tham quan và giới thiệu về trung tâm này. Trung tâm có âu tàu diện tích 13ha, được chắn gió bằng đê kè bê-tông cao hơn 5m, sức chứa cùng lúc đến 200 tàu cá và diện tích cho các công trình dịch vụ trên bờ là 8ha.
Trưởng Ban quản lý Trung tâm DVHCNC đảo Đá Tây Chu Minh Sơn cho biết, Trung tâm DVHCNC trên đảo đã được xây dựng gần 10 năm; mới đây, công ty đưa vào sử dụng các hạng mục của giai đoạn 2 và đến nay gần như hoàn thiện về cơ sở hạ tầng. Các công trình mới nhất đang trong giai đoạn hoàn thiện là nhà máy sản xuất nước đá, nhà máy chế biến hải sản và hệ thống triền đà kéo tàu cá lên bờ sửa chữa.
Đầu tháng 5 vừa qua, nhà máy nước đá của trung tâm sản xuất thành công mẻ đá đầu tiên với 880 cây và cung cấp miễn phí cho ngư dân vào đảo tiếp tế hậu cần. Khi hoàn thành, nhà máy có thể sản xuất 1.000 cây đá/ngày để phục vụ ngư dân. Trung tâm đã được đầu tư một hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt chạy bằng pin mặt trời với công suất lọc ra 50m³ nước ngọt/ngày và có hầm chứa dung tích 3.000m³. Tuy nhiên, nước ngọt lọc từ nước biển vẫn chưa được sử dụng rộng rãi vì còn chờ kết quả kiểm nghiệm về chất lượng. Ngoài ra, khi nhà máy chế biến hải sản hoàn thành, trung tâm sẽ mua lại hải sản của ngư dân với giá tương đương trong bờ.
Từ nhiều năm qua, đảo Đá Tây A là điểm đến tiếp tế hậu cần của nhiều tàu cá ngư dân ta, chủ yếu là của các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định. Trung tâm đã tổ chức cung ứng hàng trăm ngàn lít dầu nhiên liệu, hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm cho ngư dân với giá bán như trong đất liền, riêng nước ngọt thì cung cấp miễn phí.
Trung tâm cũng tiến hành sửa chữa hư hỏng nhỏ cho tàu cá ngư dân nhưng không lấy tiền công, ngư dân chỉ phải trả tiền mua phụ tùng bằng giá trong đất liền nếu như không sửa được và phải thay thế. Với hệ thống triền đà mới đưa vào sử dụng,
Trung tâm có khả năng sửa chữa lớn cho những tàu cá hư hỏng nặng thay vì phải kéo về đất liền làm phát sinh chi phí cho ngư dân. Theo ông Chu Minh Sơn, công ty chưa đặt nặng mục tiêu lợi nhuận mà trước hết là thực hiện nhiệm vụ chính trị được Bộ NN&PTNT giao, nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để bà con ngư dân yên tâm bám biển sản xuất nhưng vẫn tiết kiệm chi phí; cứu hộ, cứu nạn trên biển kịp thời. Công ty đặt quyết tâm tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ bà con ngư dân và xây dựng trung tâm thực sự là ngôi nhà chung của ngư dân.
Theo lời một số ngư dân theo tàu cá vào đảo, trước đây, dù khai thác được hay không thì mỗi chuyến ra khơi ở vùng biển Trường Sa chỉ kéo dài khoảng một tháng là tàu phải quay về để bán cá, rồi tiếp tế xăng dầu, đá lạnh và thực phẩm.
Do đánh bắt xa bờ nên chỉ tính thời gian di chuyển ra khơi và về bờ cũng đã mất tới 8-9 ngày. Vì vậy, có chuyến không may, sản lượng khai thác thấp là bị lỗ cả tiền dầu. Bây giờ thì khác, với việc đưa vào hoạt động khu dịch vụ hậu cần tại điểm đảo Đá Tây A, ngư dân không phải mất thời gian, chi phí quay về bờ như trước, mà có thể dễ dàng tạt vào để mua xăng dầu, nước ngọt, đá lạnh, thực phẩm… để ở lại đánh bắt bao lâu cũng được.
Ngư dân Trần Minh Hoài, chủ tàu PY 96436 của tỉnh Phú Yên cho biết: Từ ngày có âu tàu trong đảo Đá Tây A, chúng tôi rất yên tâm mỗi khi nghe báo bão, bởi tàu không phải chạy về bờ hoặc chạy rất xa ra khỏi vùng ảnh hưởng nữa. Có bão, tàu vào đảo neo đậu rất an toàn. Mấy năm gần đây, trên đảo có dịch vụ hậu cần phục vụ tàu cá nên càng thuận lợi cho ngư dân bám biển dài ngày. Chúng tôi cũng mong trung tâm tiếp tục hoàn thiện thêm nhiều dịch vụ tiện ích như ở đất liền, không chỉ tiếp tế hậu cần nghề cá mà còn có thể là nơi ngư dân bán xong cá có thể nghỉ ngơi ít ngày rồi lại tiếp tục ra khơi sản xuất; làm sao để đảo cũng là ngôi nhà chung của chúng tôi và cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên đảo.
Bài và ảnh: SƠN TRUNG
 

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Tin cùng chuyên mục

1 / 7
2020.11.8A
2 / 7
2020.11.8C
3 / 7
2020.11.8C
4 / 7
2020.11.8B
5 / 7
2020.11.8C
6 / 7
2020.8.11B
7 / 7
2020.11.8A

 
Loading the player...
 
Đà Nẵng, Việt Nam

 
 
Lượt truy cập: 853,748 Hôm qua: 628 - Hôm nay: 17 Tuần này: 4,639 - Tuần trước: 3,674 Tháng này: 95,441 - Tháng trước: 68,118 Online: 17