Nét độc đáo trong Tuyên bố thiết lập Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ

Ngày đăng: 13/10/2023
Từ ngày 24-26/7/2023, nhận lời mời của chính phủ Mỹ, Chủ tịch nước Việt Nam lúc đó là ông Trương Tấn Sang đã có chuyến thăm chính thức Mỹ. Sau cuộc hội đàm rất thành công giữa Chủ tịch nước Việt Nam và Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Barack Obama tại phòng Bầu dục, hai bên đã công bố bản tuyên bố chung thiết lập quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đánh dấu một mốc phát triển mới, rất quan trọng trong quan hệ hai nước kể từ khi hai nước bình thường hoá quan hệ vào tháng 7/1995. Nhân kỷ niệm đúng 10 năm việc thiếp lập quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại mốc lịch sử nêu trên.

Lúc đó, tôi đang là Đại sứ của Việt Nam tại Hoa kỳ và đã được trực tiếp tham gia, đóng góp vào quá trình chuẩn bị cho chuyến thăm, từ thời điểm thăm, tới công tác lễ tân, hậu cần, an ninh và đương nhiên quan trọng nhất vẫn là nội dung của chuyến thăm, cũng như các cuộc gặp gỡ, nói chuyện của Chủ tịch nước ta tại Mỹ.

Chuyến thăm thực chất chỉ diễn ra trong 3 ngày, nhưng tôi nhớ là công tác chuẩn bị đã kéo dài ít nhất là 5-6 tháng trước đó với không biết bao nhiêu cuộc gặp gỡ, trao đổi ở các cấp khác nhau, cũng như sự vào cuộc tích cực của nhiều bộ, ngành của cả hai nước. Cũng vì tính chất đặc biệt của chuyến thăm, cách chuyến thăm khoảng 3 tháng tôi đã được gọi về Việt Nam để trực tiếp báo cáo với Chủ tịch Nước và các đồng chí lãnh đạo cấp cao nhất của ta về quan hệ Việt-Mỹ, cũng như để lĩnh hội các chỉ đạo có tính chất định hướng của lãnh đạo cấp cao ta.

Với tầm nhìn xa trông rộng và quyết đoán, lãnh đạo hai nước đã quyết định sẽ nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác toàn diện. Đây sẽ là kết quả nổi bật nhất của chuyến thăm. Ban đầu, phía Mỹ đề nghị sau hội đàm giữa Chủ tịch nước ta và Tổng thống Mỹ, hai nước sẽ cùng ra một Thông cáo báo chí (Press Release) dài khoảng 1 trang về việc thiết lập đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, xét tầm quan trọng của chuyến thăm và việc nâng cấp quan hệ hai nước, phía Việt Nam kiên trì đề nghị hai nước sẽ ra Tuyên bố chung về việc này, đồng thời ta đã chủ động chuyển cho phía Mỹ bản dự thảo đầu tiên của Tuyên bố chung.

Sau nhiều lần trao đi đổi lại ở cả hai thủ đô Washington D.C và Hà Nội, ngay sát tới ngày thực hiện chuyến thăm, hai bên đã chốt được các nội dung cơ bản của Tuyên bố chung cũng như các chương trình chính của chuyến thăm. Tuyên bố chung đã khẳng định các nguyên tắc cơ bản của mối quan hệ song phương và định hướng 9 lĩnh vực ưu tiên hợp tác, đó là quan hệ chính trị và ngoại giao, quan hệ thương mại và kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, môi trường và y tế, giải quyết hậu quả chiến tranh, quốc phòng và an ninh, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, văn hoá, thể thao và du lịch.

Lãnh đạo hai nước đã nhấn mạnh các nguyên tắc trong quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, trong đó có tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Đó là những nguyên tắc rất cơ bản và rất quan trọng cho mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ bước vào một giai đoạn phát triển mới. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị của nhau, đây có thể coi là một điểm cốt lõi của mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước và là nét độc đáo nổi trội trong bản Tuyên bố chung.

 

 

 

Ban đầu phía Mỹ tỏ ra khá phân vân khi phía Việt Nam chủ động đưa nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị của nhau vào bản dự thảo Tuyên bố chung. Điều đó cũng có thể hiểu được vì trong tất cả các bản Tuyên bố chung thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện của Việt Nam với các nước lớn và đối tác quan trọng khác đều không đề cập đến nguyên tắc này.

Chúng ta đã kiên trì giải thích với phía Mỹ về tính chất đặc thù của quan hệ hai nước. Việt Nam và Mỹ là hai nước có chế độ chính trị khác nhau, lại đã từng là cựu thù, những hy sinh, mất mát và những hậu quả nặng nề của cuộc chiến ở Việt Nam là rất lớn và do đó không thể tránh khỏi những nghi kỵ và thậm chí là hận thù cần được tiếp tục giải toả. Cùng với việc hai bên tăng cường họp tác giải quyết những hậu quả chiến tranh thì việc lãnh đạo hai nước khẳng định nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị của nhau là hết sức cần thiết cho việc tạo dựng lòng tin trong quan hệ song phương. Và chính việc xây dựng lòng tin này sẽ là tiền đề rất quan trọng để hai nước gác lại quá khứ, hướng tới tương lai và thúc đẩy hợp tác toàn diện trên 9 lĩnh vực ưu tiên mà hai bên đã xác định trong Tuyên bố chung.

Trước chuyến thăm vài ngày, tại cuộc làm việc của tôi với Giám đốc châu Á của Nhà Trắng, sau khi nghe tôi giải thích kỹ càng một lần nữa, vị Cố vấn của Tổng thống Obama đến phút chót thông báo là Mỹ đồng ý với đề xuất của phía Việt Nam về việc đưa nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị của nhau vào bản Tuyên bố chung. Khi ấy tôi đã có thể yên tâm báo cáo về nhà rằng những nội dung của bản Tuyên bố chung về cơ bản đã được hoàn tất. Như vậy, từ ý định ban đầu chỉ là một Thông cáo báo chí dài khoảng 1 trang, cuối cùng hai bên đã thoả thuận với nhau một bản Tuyên bố chung dài 4 trang đề cập một cách toàn diện các nguyên tắc và nội dung của quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước trong nhiều năm tới.

 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cùng Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam bà
Caryn R. McGlelland thực hiện nghi thức khai trương khu làm việc của dự án xử lý dioxin sân bay Biên Hoà. (Ảnh: Sỹ Nguyên/TTVXN)

 

Với việc nâng cấp quan hệ hai nước lên thành Đối tác toàn diện, chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Việt Nam năm 2013 đã mở ra một giai đoạn mới cho quan hệ hai nước dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và những lợi ích chung. Nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị của nhau đã trở thành một trong những nguyên tắc cơ bản nhất trong quan hệ hai nước kể từ đó đến nay. Nguyên tắc này đã được tái khẳng định nhiều lần trong các chuyến thăm tới Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú trọng năm 2015, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Donald Trump năm 2017 và trong tất cả các cuộc trao đổi ở cấp cao nhất giữa lãnh đạo hai nước những năm qua.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề hội nghị bên lề hội nghị cấp cao tại Phnom Penh và thảo luận các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương. 

 

Nhìn rộng ra hơn, với việc thiết lập đối tác toàn diện với Hoa Kỳ, chúng ta đã hoàn tất việc thiết lập các mối quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện với tất cả các nước lón, trong đó có 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, và các đối tác quan trọng hàng đầu khác của Việt Nam. Qua đó, chúng ta đã thể hiện rõ chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam được tăng cường. Đây cũng là một đóng góp quan trọng của ngành ngoại giao đối với việc củng cố môi trường quốc tế hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển cho đất nước.

Tạp chí Việt - Mỹ

Tin cùng chuyên mục

1 / 7
2020.11.8A
2 / 7
2020.11.8C
3 / 7
2020.11.8C
4 / 7
2020.11.8B
5 / 7
2020.11.8C
6 / 7
2020.8.11B
7 / 7
2020.11.8A

 
Loading the player...
 
Đà Nẵng, Việt Nam

 
 
Lượt truy cập: 989,343 Hôm qua: 1,136 - Hôm nay: 9 Tuần này: 6,968 - Tuần trước: 1,145 Tháng này: 96,483 - Tháng trước: 86,465 Online: 3