Ứng dụng công nghệ số để tối ưu hóa hoạt động quản lý kinh tế xã hội

Ngày đăng: 24/03/2021
"Chuyển đổi số không phải là tập hợp các ứng dụng công nghệ thông tin mà là thay đổi phương thức quản lý nhà nước, quản lý xã hội và sản xuất kinh doanh, kết hợp với ứng dụng công nghệ số. Từ đó, tạo ra các dịch vụ mới, đem lại giá trị mới, đặc biệt, dữ liệu số là tài nguyên để xử lý, phân tích, dự báo và tối ưu hóa hoạt động, quản lý kinh tế xã hội.” Đó là phát biểu chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng tại "Hội thảo chuyên đề về Đề án Chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" do UBND thành phố phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 22-3, với sự tham gia của gần 100 chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp, sở ban ngành.

 

Description: https://docs.portal.danang.gov.vn/images/images/Nam%202021/Thang%203/chuyen%20doi%20so%204.jpg

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đồng chủ trì hội nghị


Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, xây dựng chính quyền số làm động lực dẫn dắt phát triển kinh tế số, xã hội số

Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Chính trị, Chính phủ chỉ đạo và xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số.

Đề án chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số để điều chỉnh thế chế, cấu trúc lại quy trình, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý điều hành; phát triển kinh tế số và tạo nền tảng thúc đẩy phát triển 8 lĩnh vực ưu tiên: y tế; giáo dục; tài chính ngân hàng; nông nghiệp; giao thông vận tải và logistics; năng lượng; tài nguyên và môi trường; và sản xuất công nghiệp.

Đến năm 2025, Đà Nẵng thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu về Chuyển đổi số và thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về an toàn thông tin, về thương mại điện tử của cả nước. Phát triển kinh tế số chiếm ít nhất 20% GRDP thành phố, trong đó công nghiệp ICT chiếm ít nhất 10% GRDP Thành phố.

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, hiện Đà Nẵng kế thừa những kinh nghiệm và kết quả cơ bản từ 10 năm triển khai chính quyền điện tử và 2 năm triển khai thành phố thông minh, nền công nghiệp công nghệ thông tin đã dần hình thành. Hạ tầng viễn thông, CNTT đã được thành phố đầu tư xây dựng đồng bộ, sử dụng công nghệ tiên tiến, theo tiêu chuẩn trong nước và thế giới. Người dân thành phố bước đầu hình thành thói quen tiếp cận sử dụng dịch vụ trực tuyến, trung bình có 2 doanh nghiệp công nghệ số/1000 dân; tỷ lệ hộ gia đình có internet băng rộng gần 92%, sử dụng điện thoại di động thông minh hơn 91%.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, nhiều nước như Anh, Úc, Israel, Singapore, Thái Lan.. đã xây dựng và triển khai các chiến lược, chương trình quốc gia về chuyển đổi số. Nội dung chuyển đổi số của các nước có khác nhau, phụ thuộc vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội và đặc thù của mỗi nước. Tại Đà Nẵng sẽ tập trung 3 trụ cột chính cho quá trình chuyển đổi số của địa phương, là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Thành phố sẽ thực hiện chính quyền số bao gồm cả các cơ quan Đảng, Mặt trận, các tổ chức chính trị xã hội. Đối với kinh tế số, Đà Nẵng tiếp cận theo khái niệm kinh tế số ở phạm vi rộng, bao gồm ngành công nghiệp thương mại điện tử, kinh doanh số, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ.

Đối với xã hội số, Đà Nẵng tập trung xây dựng công dân số, văn hóa số và lồng ghép với lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại... Cụ thể, trong lĩnh vực y tế, mỗi người dân có mã (ID) y tế duy nhất và có hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân; các cơ sở y tế sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử trong khám, chữa bệnh. Mỗi người dân có thể sử dụng dịch vụ tư vấn, khám chữa bệnh từ xa; đặt lịch khám bệnh đến bệnh viện/khoa/phòng/bác sỹ; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, qua mạng; kiểm tra giá thuốc và giá khám chữa bệnh qua mạng. Mỗi người dân có thể kiểm tra việc chứng nhận, đánh giá an toàn thực phẩm của các nhà hàng; được truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo chuỗi đối với các thực phẩm thiết yếu. Trong lĩnh vực giáo dục, mỗi học sinh có mã (ID) duy nhất và có hồ sơ, học bạ điện tử . Mỗi phụ huynh có thể theo dõi hồ sơ học tập con mình, thanh toán học phí không dùng tiền mặt qua mạng. Về du lịch, mỗi du khách được tư vấn, hỗ trợ trong toàn bộ quá trình trước, trong và sau chuyến đi đến Đà Nẵng qua nền tảng số, thanh toán dịch vụ du lịch không dùng tiền mặt; 100% điểm đến du lịch triển khai thẻ vé điện tử  và dịch vụ thanh toán trực tuyến.


Description: https://docs.portal.danang.gov.vn/images/images/Nam%202021/Thang%203/chuyen%20doi%20so%206.jpg

"Đà Nẵng là địa phương có tiềm năng nhất về chuyển đổi số" - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết


Để thực hiện thành công chuyển đổi số, Đà Nẵng sẽ hoàn thành 4 nhóm công việc với 130 nhiệm vụ, giải pháp chi tiết từ chuyển đổi nhận thức, có chế chính sách, hạ tầng kỹ thuật, nhân lực…với mục tiêu: 50% hộ gia đình, 90% doanh nghiệp có tài khoản thương mại điện tử; 50% doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có sử dụng dữ liệu số, công nghệ số trong sản xuất; tối thiểu 50% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; sử dụng dữ liệu để tự động điều khiển đèn tín hiệu giao thông theo lưu lượng tham gia giao thông. Hoàn thiện giám sát và điều khiển điện chiếu sáng công cộng thành phố, với các cảm biến IoT. Mỗi người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu thông tin đất đai, quỹ đất trống, quỹ đất kêu gọi đầu tư qua mạng.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, hiện Đà Nẵng là địa phương có tiềm năng nhất về chuyển đổi số với các yếu tố: mức độ sẵn sàng cao, sự đồng lòng của chính quyền địa phương và người dân; thành phố phải đặt mục tiêu trở thành điểm đến cho các doanh nghiệp công nghệ số mới, tạo nên sự phát triển đột phá và phát triển bền vững. Đồng quan điểm này, TS. Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, đề án cần tập trung đầu tư vào Chính quyền số và Kinh tế số; điều cần nhất là chuyển đổi số cho cơ quan nhà nước (Chính quyền số) và chuyển đổi số doanh nghiệp (Kinh tế số). Để làm được điều này, thành phố Đà Nẵng cần đội ngũ chuyên gia về chuyển đổi số, nguồn lực để doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, cũng như xây dựng cơ chế khai thác sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội; kiến nghị Chính phủ xây dựng luật về cơ sở dữ liệu để có cơ sở pháp lý xây dựng nền kinh tế số, thực hiện mục tiêu Chính phủ số và Quốc gia số.

Chuyển đổi số là động lực để giải quyết “điểm nghẽn” trong phát triển thành phố

Ông Trương Gia Bình - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng, chuyển đổi số là hành động của toàn xã hội. Ở các nước, sau khi nghiên cứu, người ta đặt ra các mục tiêu để phục vụ người dân tốt hơn trong các lĩnh vực bảo đảm an ninh, an toàn giao thông, giáo dục, y tế, cải cách hành chính; và làm thế nào để phát triển kinh tế nhanh nhất. Để thực hiện hiệu quả, Đà Nẵng cần tạo dựng chuyển đổi số chi tiết, tính toán cụ thể khi ưu tiên lĩnh vực để đầu tư phát triển. Một công thức để chuyển đổi số là 3S (Smart-Small-Scale), chuyển đổi số cần bắt đầu thông minh (Start Smart), ở quy mô nhỏ (Small) để đánh giá, khi thành công sẽ nhanh chóng mở rộng (Scale), cùng với đó là Công thức 3H (Heart-Head-Hand). Đây cũng là công thức FPT đang làm cho chính mình, làm cho khách hàng của mình và tiếp thu từ chuyên gia hàng đầu thế giới về chuyển đổi số.

Description: https://docs.portal.danang.gov.vn/images/images/Nam%202021/Thang%203/chuyen%20doi%20so%201.jpg

Ông Trương Gia Bình - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn FPT phát biểu


Chia sẻ về tiến trình chuyển đổi số, GS.TSKH Bùi Văn Ga – Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, cần mở rộng khái niệm kinh tế số không chỉ dừng lại ở công nghệ, thương mại điện tử mà còn liên quan đến sản phẩm thông minh; thành phố cần chuẩn hóa cơ sở dữ liệu giữa các đơn vị, thay đổi tư duy trong cách quản lý, phát triển trung tâm nghiên cứu thiết bị thông minh, thành lập các đơn vị đào tạo chuyên sâu về chuyển đổi số. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục xây dựng các đề án nội dung giảng dạy đào tạo liên quan đến nền kinh tế số, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam, để triển khai chuyển đổi số tại Đà Nẵng thành công, điều tiên quyết cần phải có chiến lược, mục tiêu, giải pháp đúng đắn, rõ ràng. Đà Nẵng xác định quan điểm chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; trong đó đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, áp dụng toàn diện công nghệ số trong đời sống, sản xuất, kinh doanh.

"Các nhiệm vụ chuyển đổi số liên quan đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội, cung cấp dịch vụ công... phải xuất phát từ nhu cầu, yêu cầu của người dân, doanh nghiệp và phục vụ người dân, doanh nghiệp; không từ chủ quan của chính quyền, cơ quan triển khai. Trong đó, ưu tiên truyền thông, hướng dẫn, đào tạo kỹ năng chuyển đổi số cho người dân, cũng như tiếp cận, nhận ý kiến, sáng kiến của người dân, doanh nghiệp; ưu tiên triển khai các ứng dụng phục vụ nhu cầu cấp thiết cho người dân như tư vấn, khám chữa bệnh từ xa, bệnh án điện tử, tra cứu nguồn gốc thực phẩm. Bên cạnh điều chỉnh cơ chế, quy trình, mô hình và ứng dụng công nghệ số, các cơ quan, địa phương cần coi trọng tạo lập và chia sẻ dữ liệu số. Các ứng dụng, cơ sở dữ liệu cần rà soát, cập nhật, các ứng dụng; dữ liệu phải được kết nối, chia sẻ về Kho dữ liệu dùng chung của thành phố. Đồng thời, công khai, mở dữ liệu cho người dân, doanh nghiệp theo quy định."- Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam cho biết.


Description: https://docs.portal.danang.gov.vn/images/images/Nam%202021/Thang%203/chuyen%20doi%20so%202.jpg

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại hội thảo


Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, chuyển đổi số là “động lực” để giải quyết “điểm nghẽn” trong phát triển thành phố đã xuất hiện năm qua, góp phần đạt mục tiêu “đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN” và tầm nhìn “thành phố Đà Nẵng là đô thị sinh thái, hiện đại, đáng sống” như Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bí thư Thành uỷ cho rằng chính quyền số cần đi đầu, song song đó là kinh tế số và tiếp đó là xã hội số.

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử, Thành phố thông minh và Chuyển đổi số tiếp tục đôn đốc, điều phối chung việc triển khai Đề án Chuyển đổi số và các hoạt động Chuyển đổi số tại thành phố Đà Nẵng. Các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý. Các doanh nghiệp, hiệp hội, cộng đồng xã hội chủ động, tích cực tham gia công cuộc chuyển đổi số, nâng cao nhận thức và kỹ năng số, triển khai chuyển đổi số trong đơn vị. Các doanh nghiệp công nghệ số hỗ trợ các doanh nghiệp ngành nghề khác trên địa bàn thành phố chuyển đổi số. Các cơ sở đào tạo đưa nội dung chuyển đổi số vào Chương trình đào tạo; hợp tác nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ số.

Description: https://docs.portal.danang.gov.vn/images/images/Nam%202021/Thang%203/chuyen%20doi%20so%205.jpg

Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở Thông tin Truyền thông và Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin Truyền thông)


Tại hội thảo, UBND thành phố Đà Nẵng đã công bố quyết định thành lập Hội đồng Chuyên gia tư vấn chuyển đổi số thành phố gồm 16 thành viên và công bố ngày 28-8 hàng năm là “Ngày chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng"; đồng thời triển khai ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về triển khai Chuyển đổi số giữa Sở Thông tin Truyền thông và Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin Truyền thông), bao gồm: cơ chế, chính sách; phát triển hạ tầng số; phát triển dữ liệu số, nền tảng số, ứng dụng, dịch vụ Chính quyền số và thành phố thông minh; phát triển kinh tế số, xã hội số và truyền thông; nâng cao nhận thức và đào tạo; phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số. 

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử thành phố

Tin cùng chuyên mục

1 / 7
2020.11.8A
2 / 7
2020.11.8C
3 / 7
2020.11.8C
4 / 7
2020.11.8B
5 / 7
2020.11.8C
6 / 7
2020.8.11B
7 / 7
2020.11.8A

 
Loading the player...
 
Đà Nẵng, Việt Nam

 
 
Lượt truy cập: 804,492 Hôm qua: 1,404 - Hôm nay: 558 Tuần này: 5,623 - Tuần trước: 4,568 Tháng này: 63,298 - Tháng trước: 89,343 Online: 35